Bài viết này sẽ cho bạn cái nhìn tổng quan về cách trị bệnh hen phế quản để bạn có thể bình tâm hơn. Tuy nhiên, tình trạng bệnh và cơ thể mỗi bệnh nhân mỗi khác. Bạn hãy đi thăm khám tại bệnh viện nếu thấy bản thân có những triệu chứng của hen suyễn để có phác đồ điều trị phù hợp nhất nhé.
Hiểu rõ hơn về hen phế quản
Như chúng ta đã biết, hen phế quản còn có tên gọi thông dụng hơn là hen suyễn. Đây là một bệnh hô hấp mãn tính. Có nghĩa là, cho đến hiện giờ, chưa có cách điều trị dứt điểm bệnh này. Mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc hen suyễn, từ trẻ em đến người lớn tuổi.
Hen suyễn khiến cho đường thở trở nên hẹp và bị viêm, kèm theo nhiều chất nhầy. Vì vậy mà người bệnh cảm thấy vô cùng khó thở và lên cơn ho liên tục khi lên cơn hen. Hen suyễn ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống. Nếu kiểm soát bệnh tốt, bạn vẫn có thể sinh hoạt tương đối giống người khỏe mạnh. Nhưng nếu lơ là bệnh, bạn sẽ phải thường xuyên cấp cứu hoặc nhập viện. Do đó, không nên chủ quan.
Hen phế quản đến từ đâu?
Hiện nay, các nguyên nhân gây nên bệnh hen phế quản chưa được xác định một cách rõ ràng nhất. Tuy vậy, có những yếu tố nguy cơ và tác nhân được các chuyên gia liệt kê có khả năng gây nên hen suyễn, như sau:
Yếu tố nguy cơ
- Di truyền từ bố mẹ
- Cơ địa dễ bị dị ứng các yếu tố bên ngoài
- Cơ địa dị ứng với thức ăn, thuốc
- Tiền sử nhiễm virus, vi khuẩn hô hấp nghiêm trọng làm hệ miễn dịch suy giảm
- Thừa cân, béo phì
- Tiền sử bị trào ngược dạ dày thực quản
- Căng thẳng, stress trong thời gian dài
Tác nhân từ môi trường ngoài
- Khói thuốc
- Khói bụi ô nhiễm
- Mạt nhà
- Hóa chất
- Không khí lạnh
- Phấn hoa
- Nấm mốc
- Lông động vật
- Các loại thực phẩm lên men
- Các loại thực phẩm chứa chất bảo quản sulfite
Cách trị bệnh hen phế quản bằng thuốc
Bác sĩ sau khi thăm khám, khai thác tiền sử bệnh sẽ lên cho bạn một phác đồ điều trị cụ thể và riêng biệt. Nhìn chung, có 2 loại thuốc thường được kê, đó là thuốc kiểm soát hen suyễn dài hạn và thuốc cắt cơn. Bạn cần sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không được tự ý sử dụng.
- Thuốc giãn phế quản (thuốc cắt cơn nhanh): Làm giãn các cơ đang thắt chặt trong đường thở, giúp bệnh nhân dễ hô hấp hơn. Chúng thường có dạng máy phun sương hoặc ống hít. Gồm thuốc chủ vận beta tác dụng ngắn, thuốc kháng cholinergic tác dụng nhanh như ipratropium, corticosteroid uống hay tiêm mạch,…
- Thuốc kiểm soát hen suyễn dài hạn: Làm giảm tình trạng viêm đường hô hấp và giảm thiểu khả năng lên cơn hen. Bao gồm corticoid dạng hít, thuốc kháng leukotriene, thuốc chủ vận beta tác dụng dài, thuốc đường hít kết hợp,…
Những sai lầm trong cách trị bệnh hen phế quản làm bệnh mãi không khỏi
Có những sai lầm trong cách trị bệnh hen phế quản khiến bệnh hen suyễn càng chữa càng nặng. Các cơn hen xuất hiện với tần suất ngày càng dày đặc hơn. Bạn hãy chú ý đừng mắc những sai lầm này nhé.
-
Lạm dụng quá nhiều kháng sinh:
Theo WHO, Việt Nam nằm trong top các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất. Người dân có thói quen ngay khi bị ho, khò khè là đã mua thuốc về uống. Đa số thuốc được kê luôn có kháng sinh. Trên thực tế, kháng sinh không có tác dụng đối với hen suyễn. Trừ khi bạn bị bội nhiễm hoặc hen suyễn kèm theo các bệnh viêm hô hấp khác. Lạm dụng kháng sinh gây rất nhiều hệ lụy như giảm đề kháng, cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, luôn cảm thấy mệt mỏi,…
-
Chỉ sử dụng thuốc cắt cơn mà không dùng thuốc kiểm soát dài hạn:
Mục đích của việc dùng thuốc kiểm soát dài hạn là để bảo vệ chức năng phổi, giúp hoạt động hô hấp trơn tru hơn, hạn chế lên cơ hen cấp tính. Vì vậy, nếu chỉ dùng thuốc cắt cơn vì cảm thấy nó có tác dụng nhanh mà không điều trị dự phòng rất dễ gây nguy hiểm. Thuốc ngắn hạn không có khả năng kiểm soát tần suất cơn hen của bạn, chúng sẽ xuất hiện ngày một nhiều hơn vì lờn thuốc. Hãy tuân theo phác đồ một cách đầy đủ để có sức khỏe ổn định.
-
Không hạn chế tiếp xúc với các dị nguyên gây cơn hen cấp tính:
Hãy luôn chú ý với các yếu tố xung quanh. Có một số thứ rất nguy hiểm đối với bệnh nhân hen phế quản. Chúng đã được đề cập ở trên. Nếu không cẩn thận, cơn hen sẽ liên tục ghé thăm bạn.
-
Chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi không hợp lý:
Đây có lẽ là một trong những sai lầm thường gặp nhất trong cách trị bệnh hen phế quản. Sinh hoạt lành mạnh giúp cơ thể khỏe hơn, tăng sức đề kháng và chống chọi với bệnh tốt hơn. Hãy ăn uống đa dạng, sử dụng thường xuyên các thực phẩm chống viêm, tiêu đờm và ngủ đủ giấc.
Cách trị bệnh hen phế quản đúng đắn nhất là kết hợp giữa dùng thuốc được bác sĩ kê và phòng ngừa cơn hen cấp tính thật cẩn thận tại nhà. Hen suyễn sẽ không quá nguy hiểm nếu bạn chú ý. Chúc bạn và gia đình nhiều sức khỏe. Tìm hiểu loại thuốc chữa hen phế quản từ Đông Y an toàn, hiệu quả tại đây.